Như đã đề cập ở bài viết trước, mô hình hợp tác xã đã thể hiện được vai trò và vị thế của mình đối với sự phát triển của mỗi quốc gia và toàn thế giới khi luôn đề cao tinh thần hợp tác cùng nhau phát triển bền vững và thực hiện mô hình kinh doanh lấy con người làm trung tâm. Để đạt được kết quả ngày hôm nay, lịch sử đã chứng minh được quá trình hình thành và phát triển trong suốt 180 năm qua, kể từ lúc những người sáng lập đặt những viên gạch đầu tiên khi tìm kiếm sự công bằng trong sản xuất, kinh doanh cho đến quá trình hợp tác cùng phát triển của các hợp tác xã trên toàn thế giới trong giai đoạn hiện nay.
Nhắc đến những nền móng đầu tiên cho sự ra đời của mô hình hợp tác xã, chúng ta hãy cùng nhìn lại lịch sử chặng đường phát triển của mô thức tư bản và câu chuyện về Hội tiên phong công bằng Rochdale, những người đã đặt nền móng cho sự phát triển của các hợp tác xã hiện đại sau này. Vào cuối thế kỷ thứ XVIII, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất ở Anh diễn ra với đặc trưng nổi bật là cơ khí máy móc chạy bằng hơi nước ra đời và cải tiến, thay thế sức lao động thủ công qua đó thúc đẩy gia tăng sản lượng. Đây là giai đoạn quá độ từ nền sản xuất nông nghiệp sang nền sản xuất cơ giới trên cơ sở khoa học. Trong thời kỳ đó, mô thức chủ đạo là tư bản được đặt làm trọng tâm. Cả guồng máy xã hội lúc bấy giờ đều theo đuổi và hướng đến mục tiêu tiền, thặng dư, tài sản; theo đó, mọi người đều tôn vinh đồng tiền và tìm mọi cách để kiếm tiền. Khi tiền ở trọng tâm thì con người chỉ được coi là công cụ để tạo ra nhiều tiền hơn, các nhà tư bản coi công nhân như phương tiện để tạo ra giá trị thặng dư.
Thực tế tàn nhẫn lúc đó là khi công nhân đến công xưởng làm việc, họ bị bóc lột nặng nề và chỉ nhận được đồng lương ít ỏi so với khối lượng công việc cực kỳ lớn và thời gian từ 14 giờ đến 16 giờ mỗi ngày. Giá cả thực phẩm thì đắt đỏ, thường gấp 3 lần giá trị thật và luôn chịu sự chi phối của những tiểu thương, những nhân tố trung gian, bóc lột cả người sản xuất và người tiêu dùng. Gian lận thương mại ngày càng nhiều hơn, chất lượng thực phẩm không còn được đảm bảo khi bị pha trộn với tạp chất độc hại nhằm mục đích tăng tối đa lợi nhuận. Ví dụ như bột mì được trộn với thạch cao và xương nghiền, trà được trộn với mạt sắt để có thể tăng trọng lượng nhưng chất lượng thì giảm đi.
Với sự bùng nổ của cách mạng công nghiệp, tình trạng thất nghiệp, nghèo đói, bệnh tật và lạm dụng lao động trẻ em ngày càng trở nên phổ biến. Vào những năm 1840, tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi vào khoảng 40%, đối với phụ nữ nếu sống được đến 25 tuổi thì tỷ lệ tử vong trước 45 tuổi sẽ là 46%. Điều này dẫn đến tình trạng khủng hoảng trầm trọng trong cộng đồng người lao động. Tuổi thọ trung bình của dân lao động tại Manchester lúc bấy giờ chỉ được 17 tuổi; trong khi đó, tuổi thọ của những người thuộc tầng lớp giàu có, giai cấp tư sản rơi khoảng 52 tuổi.
Với điều kiện sống vô cùng cực khổ lúc đó, những cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân đã sớm nổ ra. Một số người cho rằng sự công bằng sẽ không thể tồn tại được khi tiền được đặt là mục tiêu và trọng tâm của hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chính vì thế, họ đã đưa ra hệ tư tưởng mới, một mô thức mới trong đó lấy con người làm trung tâm, tiền bạc chỉ là phương tiện. Từ đó, họ vận động những người công nhân ở Rochdale thay đổi cách thức cuộc sống của mình, hình thành mô hình kinh doanh lấy con người là trung tâm. Đây chính là tiền đề và cơ sở khởi nguồn việc hình thành Hội tiên phong công bằng ở Rochdale.
Năm 1844, một nhóm 28 công nhân của nhà máy bông ở thị trấn Rochdale, phía bắc nước Anh đã thành lập Hội tiên phong công bằng Rochdale - được coi là loại hình Hợp tác xã hiện đại đầu tiên thành lập dựa trên 6 giá trị cốt lõi, tồn tại và phát triển lâu dài.
Hình ảnh những người thiết lập nền tảng pháp lý cho Hội tiên phong công bằng Rochdale, dẫn dắt 28 người công nhân theo con đường lấy con người làm giá trị cốt lõi chứ không phải là đồng tiền
Họ quyết định rằng nếu tập hợp được các nguồn lực ít ỏi và hợp tác cùng nhau trong sản xuất, kinh doanh thì có thể giải quyết được vấn đề khan hiếm hàng hóa. Mỗi người tham gia không phân biệt nghề nghiệp, giới tính, chính trị, … sẽ cùng góp vốn để tạo lập hoạt động kinh doanh nhằm phục vụ nhu cầu chung của họ. Ban đầu, với số vốn ít ỏi 23 bảng Anh từ 28 người, họ cử 1 người đẩy xe cút kít từ Rochdale lên thành phố Manchester để mua bơ, bột mì, bột yến mạch, đường và nến. Với khoảng cách giữa từ Rochdale đến Manchester xấp xỉ 24km, người công nhân phải đi từ sáng sớm và quay trở về khi trời đã tối. Rochdale khai trương cửa hàng kinh doanh đầu tiên vào 20h ngày 21/12/1844 tại tầng hầm của một chung cư với lịch hoạt động ban đầu là 2 đêm 1 tuần. Sau 3 tháng, cửa hàng mở cửa 5 ngày 1 tuần và bổ sung thêm trà, thuốc lá vào danh mục hàng hóa do số người thành viên tham gia ngày càng đông hơn và số vốn góp được ngày càng nhiều hơn.
Hội tiên phong công bằng Rochdale dựa trên triết lý của Robert Owen để tạo nên 1 hợp tác xã mà ai cũng có cơ hội tham gia với 6 giá trị: tự giúp đỡ - tự chịu trách nhiệm – dân chủ - bình đẳng – công bằng – đoàn kết. Các giá trị này được đề ra để đăng ký pháp lý và được pháp luật bảo vệ khi có rủi ro xảy ra. Trước Hội tiên phong công bằng Rochdale cũng có nhiều mô hình Hợp tác xã được thành lập nhưng sụp đổ do thiếu tính pháp lý.
Lợi ích mà Hội tiên phong công bằng Rochdale mang lại là các thành viên mua được hàng hóa với giá rẻ, quan trọng hơn là hàng hóa “tinh khiết”, không bị pha trộn tạp chất độc hại. Với tinh thần lan tỏa và sự gắn kết, Hội tiên phong công bằng Rochdale đã thu hút được rất nhiều thành viên cùng tham gia. Từ 28 thành viên ban đầu vào năm 1844, đến năm 1845, số thành viên tăng thêm là 74 thành viên và sau 15 năm là 3.450 thành viên và 6 cửa hàng mới.
Ý tưởng này lan rộng ra khắp nước Anh, đến năm 1863, Hợp tác xã thành lập hệ thống bán buôn để mua hàng hóa số lượng lớn rồi bán lại cho các cửa hàng. Ngoài việc đáp ứng nhu cầu cơ bản của thành viên, Hội tiên phong công bằng Rochdale còn chú ý đến đời sống tinh thần của các thành viên như: mở thư viện cho họ đọc sách, chú trọng điều kiện và môi trường làm việc, sân bóng cho các con em thành viên, đề xuất lương tối thiểu và lương hưu,…Với nguyên tắc bình đẳng “mỗi thành viên đều có một phiếu bầu”, lần đầu tiên trong lịch sử, phụ nữ cũng được tham gia bầu cử và có vị thế bình đẳng ngang bằng với nam giới.
Mô hình kinh doanh lấy con người làm trung tâm nhanh chóng thu hút sự chú ý của xã hội và theo làn sóng cách mạng công nghiệp lan tỏa rộng khắp nhều nước trên thế giới. Hội tiên phong công bằng Rochdale hình thành, phát triển và tồn tại được lâu dài chính từ việc xuất phát từ nhu cầu của các thành viên và vận hành trên 6 giá trị cốt lõi. Các giá trị này là nền móng vững chắc của các Hợp tác xã hiện đại. Khởi nguồn từ Hội tiên phong công bằng Rochdale, hiện nay trên khắp thế giới có hơn 1 tỉ người đang là thành viên của các Hợp tác xã hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau.
Sau khi những nền móng đầu tiên cho sự hình thành Hợp tác xã được xây dựng, vấn đề tiếp theo được đặt ra là xã hội công bằng của Rochdale hay còn được xem là mô hình Hợp tác xã đầu tiên trên thế giới sẽ hoạt động trên những cơ sở, nguyên tắc vận hành như thế nào. Bài viết tiếp theo sẽ tập trung phân tích về các cơ sở để hình thành nên khuôn khổ pháp lý đầu tiên cho việc vận hành Hợp tác xã trên thế giới.